Lịch sử Sông_Cửu_Long

Chín cửa sông Cửu Long trong An Nam Đại Quốc Họa Đồ của Taberd năm 1838 gồmː cửa Tiểu, cửa Đại, cửa Ba Ray, cửa Bãi Ngao, cửa Băng Côn, cửa Cổ Chiên (thuộc sông Tiền), cửa Vam Rây, cửa Cha Vang, cửa Ba Thắc (thuộc sông Hậu).Các cửa sông Cửu Long trong bản đồ hành chính Nam Kỳ Lục tỉnh (Basse Cochinchine) năm 1863. Sông Hậu có tất cả bốn cửa chia làm 2 cặpː Ba-tac, Din-an. Sông Cổ Chiên chia thành các cửa Co-khien, Cong-hau. Trong khi, 2 cửa biển Bân Côn và Ngao Châu quy thành một.

Theo An Nam Đại Quốc Họa Đồ của Taberd năm 1838, sông Cửu Long có 9 cửa lần lượt từ đông bắc xuống tây nam gồmː

  • Cửa Tiểu - cửa Đại, cửa Ba Ray (Ba Lai), cửa Bãi Ngao (Ngao Châu) - cửa Băng Côn (Bân Côn) (nay gộp thành cửa Hàm Luông), cửa Cổ Chiên (6 cửa đều thuộc sông Tiền).
  • Cửa Vam Rây (Vàm Rây, tức cửa Định An ngày nay), cửa Cha Vang (Trà Vang, tức sông Cồn Cộc ngày nay), cửa Ba Thắc (tức Ba Thắc (nhỏ) - Tranh Đề) (3 cửa đều thuộc sông Hậu, phía tây địa danh Trà Ôn trong bản đồ).

Đại Nam nhất thống chí chỉ kể 7 cửa của sông Cửu Long gồm 6 cửa thuộc sông Tiền Giang và 1 cửa sông Hậu Giang (lần lượt từ đông bắc xuống tây nam là: cặp cửa Tiểu - cửa Đại, cửa Ba Lai, cặp cửa Ngao Châu - Bân Côn, cửa Cổ Chiên (đều thuộc sông Tiền), và cửa Ba Thắc của sông Hậu[1]. Đại Nam nhất thống chí chépː

  • Sông Tiền Giang ở cách huyện Vĩnh Bình 6 dặm về phía tây bắc, phát nguyên từ sông Sa Đét tỉnh An Giang, qua thôn Tân Hội huyện Vĩnh Bình, là chỗ chia địa giới 2 tỉnh An Giang và Vĩnh Long. Lại chảy 34 dặm qua sông Đại Tuần, suốt đến Ba Lai, Mỹ Tho rồi chảy về phía nam đổ ra cửa Đại và cửa Tiểu, đây là chi lưu chính của sông Cái. Lại ở sông Đại Tuần chia thành ngã ba, một ngả qua phía đông tỉnh thành [Vĩnh Long], làm sông cái Long Thành, chảy 136 dặm về phía nam rồi đổ ra cửa biển Cổ Chiên. Một ngả qua thôn Phú Thuận sang phía đông 40 dặm làm sông cái Hàm Luông, lại chảy 123 dặm về phía nam đổ ra 2 cửa biển Bân Côn và Ngao Châu. Một ngả do bờ phía hữu sông Hàm Luông chảy xuống chia làm hai nhánh: Một nhánh qua hạ lưu sông Ba Lai 108 dặm về phía nam, rồi đổ ra cửa biển Ba Lai. Nhánh còn lại là nhánh đổ ra cửa Đại, cửa Tiểu [đã nêu trên], có tên gọi là sông Trí Tường [qua Mỹ Tho], làm thành địa giới tỉnh Định Tường [ranh giới Vĩnh Long - Định Tường]...
  • Sông Hậu Giang ở cách huyện Vĩnh Bình 52 dặm về phía nam, nước sông này từ sông Châu Đốc tỉnh An Giang chảy qua phía bắc huyện Đông Xuyên đến rạch Trà Ôn. Đấy là chỗ phân địa giới giữa 2 tỉnh An Giang và Vĩnh Long, bờ phía tây là địa giới tỉnh An Giang, bờ phía đông là địa giới tỉnh Vĩnh Long. Sông đến đây thì chuyển sang phía nam, qua địa phận đạo Trấn Di, đổ ra cửa Ba Thắc. Nước sông chia chảy nhiều ngả, bao bọc cồn bãi, tưới tắm ruộng đồng, rất là lợi ích.
Bản đồ Nam Kỳ thuộc Pháp năm 1884, Chín cửa sông chính của sông Cửu Long, lần lượt từ đông bắc xuống tây nam gồmː trên sông Tiền có 6 cửaː Tiểu, Đại, Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên và Cung Hầu, trên sông Hậu có 3 cửaː Định An, Ba Thắc (tức Ba Thắc (nhỏ)) và Tranh Đề.

Các bản đồ người Pháp vẽ về Nam Kỳ từ cuối thế kỷ 19 (năm 1884) đến đầu thế kỷ 20 (năm 1901, 1902) ghi tên cho 9 cửa sông chính của sông Cửu Long, lần lượt từ đông bắc xuống tây nam gồmː trên sông Tiền có 6 cửa Tiểu, Đại, Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên và Cung Hầu, trên sông Hậu có 3 cửa Định An, Ba Thắc (tức Ba Thắc (nhỏ)) và Tranh Đề.

Chín cửa sông đầu thế kỷ 20, đến ngày nay, chỉ còn lại có tám cửa sông. (Cửa Ba Thắc (nhỏ) khoảng thập niên 1960 đã bị bồi lấp, chỉ còn vết tích là rạch nhỏ mang tên sông Cồn Tròn có cửa nằm sâu bên trong cửa Tranh Đề, nên sông Hậu chỉ còn hai cửa biển ngày nay). Với việc cửa Ba Lai đã bị hệ thống cống đập ngăn mặn Ba Lai ngăn lại, sông Cửu Long chỉ còn 7 cửa sông chính thông thuyền ra biển Đông. Tuy vậy, trong nhiều thời kỳ dòng sông có 9 cửa chính chảy ra biển Đông nên sông Mê Kông đoạn qua Việt Nam còn được gọi là sông Cửu Long, tức "sông chín rồng". Hiện có khoảng 17 triệu người dân Việt Nam đang sinh sống tại lưu vực của hệ thống sông Cửu Long, còn được gọi là đồng bằng sông Cửu Long

Sông Cửu Long tại Việt Nam

Sự khó khăn về giao thông thủy của con sông này làm chia cắt con người sống hai bên bờ hơn là liên kết họ. Nền văn minh được biết sớm nhất là nền văn hóa Mã Lai, Ấn Độ hóa hồi thế kỷ 1, của Vương quốc Phù Nam, trong lưu vực sông Mê Kông. Sự khai quật ở Óc Eo, gần Rạch Giá ngày nay, đã tìm thấy những đồng tiền khác xa với Đế chế La Mã. Vương quốc Phù Nam được nối tiếp bởi quốc gia Khmer Chân Lạp (Chenla) cho đến thế kỷ 5. Đế chế Khmer Angkor là quốc gia chịu ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ cuối cùng trong khu vực. Sau khi quốc gia này bị tiêu diệt sông Mê Kông đã là đường biên giới của các quốc gia đối đầu nhau như Xiêm và Việt Nam, với Lào và Campuchia nằm trong tầm ảnh hưởng của họ.